*Cố vấn chuyên môn: ThS. BS. Vũ Văn Bộ, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Vừa qua, Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh phúc đã phẫu thuật và điều trị thành công di chứng sẹo bỏng, sẹo co kéo ngón tay không cần vá da cho bệnh nhi N. G. K, 11 tháng tuổi (tỉnh Bắc Ninh).
Bỏng ngón tay ở trẻ nhỏ thường để lại di chứng co, dính ngón ảnh hưởng nhiều tới chức năng của bàn tay. Tổn thương bỏng bàn tay rất đa dạng, thường gặp nhất, có thể là sẹo da đơn thuần gây co kéo các ngón, dính ngón, hẹp khe ngón hoặc nặng hơn là kèm theo tổn thương gân xương, khớp, mạch máu, thần kinh. Có nhiều phương pháp tạo hình được áp dụng trong điều trị sẹo bỏng bàn ngón tay như vạt tại chỗ, ghép da, vạt da cân cuống mạch liền, …Trong đó phương pháp sử dụng vạt tại chỗ không cần vá da mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, vừa đảm bảo tính thẩm mĩ đồng thời hạn chế tối đa xâm lấn trong quá trình phẫu thuật.
Được biết, cách đây hơn 3 tháng cháu bé bị bỏng nước sôi, sau khi vết bỏng lành tổn thương, không may đã xuất hiện sẹo co kéo ngón II, III, IV, V tay trái, ngón tay bị lệch, gây nên hạn chế vận động. Sau khi tìm hiểu các thông tin về phẫu thuật sẹo bỏng, sẹo co kéo ngón tay, gia đình bệnh nhi đã quyết định lựa chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện phẫu thuật cho bé.
Tại Bệnh viện, các Bác sĩ đã tiến hành thăm khám và nhận thấy tình trạng co kéo ngón của bệnh nhi rất phức tạp, để đảm bảo cuộc phẫu thuật được diễn ra an toàn bệnh nhi đã được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết và khám tiền mê.
Trong quá trình phẫu thuật, các Bác sĩ đã cẩn thận giải phóng sẹo co kéo giúp tay có thể duỗi thẳng. Tại vị trí quanh vết sẹo, Ekip khéo léo tạo hình chuyển vạt da tại chỗ (vạt chữ z) che phủ tổn thương và kết thúc bằng kỹ thuật khâu thẩm mỹ vết mổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được băng cố định giúp ngón tay duỗi thẳng, hạn chế co kéo tái phát.
Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện và một tháng được theo dõi, chăm sóc theo hướng dẫn của Bác sĩ tại nhà, bàn tay của cháu bé đã hoàn toàn phục hồi, các ngón tay có thể duỗi thẳng và vận động sinh hoạt trở lại bình thường.
Nói về phương pháp phẫu thuật giải phóng sẹo co không cần vá da, ThS. BS. Vũ Văn Bộ, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Khi sử dụng vạt da tại chỗ (bao gồm da và sẹo) tạo vạt chữ z, chúng tôi cần phải tính toán kỹ lưỡng để che phủ tối đa vùng khuyết hổng. Khi liền lại, sẽ đảm bảo cho vùng da gấp bàn tay chắc chắn, hạn chế nguy cơ bị trợt, loét, trong quá trình vận động và sinh hoạt sau này.
Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình cũng khuyến cáo người dân: Khi bị bỏng, đặc biệt là ở các vùng cơ quan vận động như lòng bàn tay, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và được xây dựng phác đồ điều trị cụ thể, đúng đắn (vừa điều trị đảm bảo lành vết thương vừa cố định để tránh nguy cơ hình thành sẹo co kéo). Sau quá trình điều trị, người bệnh cũng cần phải tuân thủ chặt chẽ chế độ luyện tập, phục hồi. Trong trường hợp không may bị di chứng sẹo co kéo, người bệnh cần tái khám sớm để Bác sĩ lên khế hoạch điều trị, phẫu thuật hạn chế để lại các di chứng về sau.
Tác giả: Trần Sang