*Cố vấn chuyên môn: Ths.BS Nguyễn Đình Thành - Phó trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Sâu răng là một trong những bệnh lý phổ biến nhất trong nha khoa, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan khi thấy răng chỉ mới bị đen nhẹ, ê buốt thoáng qua hoặc đau không thường xuyên. Việc chậm trễ điều trị sâu răng không chỉ khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.
Sâu răng tiến triển âm thầm nhưng để lại hậu quả lớn
Ban đầu, sâu răng có thể chỉ là một đốm trắng hoặc vết nâu nhỏ trên bề mặt men răng. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ tiếp tục tấn công vào lớp ngà răng, gây ê buốt, đau nhức khi ăn uống. Khi tổn thương lan đến tủy răng (nơi chứa các dây thần kinh và mạch máu) người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội, đặc biệt về đêm. Tình trạng viêm tủy không được điều trị có thể dẫn đến hoại tử tủy, hình thành ổ mủ (áp-xe), sưng mặt, sốt, và thậm chí ảnh hưởng đến xương hàm. Trường hợp nặng, răng có thể bị phá hủy hoàn toàn, không thể bảo tồn và buộc phải nhổ bỏ.
Nguy cơ lan rộng ảnh hưởng đến toàn thân
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vi khuẩn gây sâu răng nếu tồn tại lâu dài trong khoang miệng có thể xâm nhập vào máu, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, viêm khớp… sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng nếu không kiểm soát tốt sức khỏe răng miệng.
Đặc biệt, ở phụ nữ mang thai, tình trạng sâu răng nặng có thể làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân hoặc chậm phát triển do ảnh hưởng từ tình trạng viêm nhiễm kéo dài.
Phòng ngừa và điều trị sâu răng
Việc điều trị sâu răng ở giai đoạn đầu rất đơn giản: làm sạch mô răng bị tổn thương và trám lại bằng vật liệu chuyên dụng. Thời gian thực hiện ngắn, không gây đau và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, nếu để đến giai đoạn viêm tủy hoặc áp-xe, người bệnh có thể phải trải qua điều trị nội nha (điều trị tủy), thậm chí nhổ răng và phục hình, chi phí thực hiện tương đối cao và ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai.
Để phòng ngừa sâu răng, người dân cần:
- Chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng chứa fluor (một khoáng chất tự nhiên giúp răng chắc khỏe và có khả năng chống lại axit gây sâu răng)
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng
- Hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn dính và nước có gas
- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần tại cơ sở nha khoa uy tín
Thông điệp từ bác sĩ chuyên khoa
Ths.BS Nguyễn Đình Thành - Phó trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Phần lớn người bệnh đến khám khi sâu răng đã gây đau nhức hoặc có biến chứng. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều và bảo tồn được răng thật. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân nên khám răng định kỳ, kể cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.”
Một hàm răng khỏe mạnh không chỉ mang lại nụ cười tươi tắn mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ sức khỏe toàn diện. Đừng để sâu răng âm thầm hủy hoại răng miệng của bạn. Hãy chủ động kiểm tra và điều trị sớm sâu răng để bảo vệ sức khỏe cho bạn và những người thân yêu.
Tác giả: Trần Sang